NỘI DUNG SÁCH
“Cách khám phá bản thân tốt nhất là chấp nhận thử thách. Khi được giao việc mới với nhiều áp lực, bạn cũng đừng ngại khó. Hãy thực hiện để sau đó đánh giá xem ngưỡng chịu đựng của bản thân đến đâu. Chỉ như vậy, bạn mới hiểu rõ bản thân mình, trưởng thành hơn và thành công hơn.”
Những câu chuyện trong cuốn sách “Người thả diều” thật như hơi thở, từ chiến tranh đến hòa bình, từ quê nghèo lên thành phố, từ ước mơ đến hiện thực, từ thất bại đến thành công, từ Việt Nam ra thế giới… ngồn ngộn trải nghiệm sống. Không ai mong muốn nghịch cảnh, nhưng chính cách đáp trả nghịch cảnh đã làm nên con người mỗi chúng ta hôm nay.
Như tác giả chia sẻ, chính những khó khăn, chính cái nghèo đã luôn nhắc nhở chị phấn đấu vươn lên. Một điều đặc sắc tuyệt vời là tất cả đều được hành động trong tình yêu. Không phải là vươn lên quật khởi chỉ để chứng tỏ bản thân mình, mà là sống chia sẻ và biết ơn với những người đã đi qua cuộc đời mình, từ gia đình đến xã hội. Gấp cuốn sách lại bạn đọc sẽ thấy lòng phấn khởi và nhẹ nhàng.
TRÍCH ĐOẠN HAY
Trong một lần chia sẻ với các bạn trẻ trong công ty tôi lấy hai hình tượng lục bình trôi sông là người sống không có mục tiêu, và người thả diều là người có mục tiêu cuộc đời và lập kế hoạch để thực hiện mục tiêu ấy để so sánh.
Đi đâu, tôi cũng nói với các bạn “Hãy là người thả diều, một người thả diều có kỹ thuật để những cánh diều luôn bay cao trong tầm mắt.
Dưới quê muỗi rất nhiều, buổi tối học bài mình phải tròng một cái quần khác vô hoặc quấn cái mền cho muỗi khỏi cắn, nhưng khi đạn bắn vội vàng chạy vô hầm quên là mình đang quấn mền, té lăn cù hoài… Thực sự những người trải qua giai đoạn tuổi thơ khó khăn như vậy khi kinh doanh khó khăn mình chẳng thấy có gì ghê gớm, vì đâu có ảnh hưởng đến sự sống, cái chết như ngày xưa!
Nhưng mãi đến khi ra trường rồi tôi vẫn còn ấm ức tại sao nhà mình trồng mận mà không được ăn trái trên cây? Tạo sao đồ ngon thì dành để bán hết, còn người nghèo không được ăn đồ ngon? Nên khi làm thủy sản, thấy mọi người cứ nghĩ đồ ngon xuất khẩu, đồ dạt mới để cho thị trường nội địa, tôi ấm ức lắm.
Khi đảm nhận chức Phó tổng giám đốc Saigon Food, để giải tỏa nỗi đau này, tôi nhất quyết không chịu lấy hàng dạt từ xuất khẩu, mà còn nhập cả hàng chất lượng cao từ nước ngoài về, mua tôm nguyên con còn sống ở đìa lên để làm lẩu. Tôi ức chuyện người làm ra tôm cá mà phải ăn đồ không ngon lắm.